Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể
Huyện Trung Khánh xác định CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực. Trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh Cao Bằng, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Trùng Khánh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển Chính quyền số và CĐS đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của huyện. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo về CĐS huyện, tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo CĐS của huyện, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy CĐS, đưa người dân lên môi trường số để người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, 21/21 xã, thị trấn có Ban Chỉ đạo CĐS, 203/203 tổ CĐS cộng đồng với 975 thành viên. Thực hiện hỗ trợ người dân tham gia CĐS trên địa bàn nhằm tuyên truyền, đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, thúc đẩy CĐS, đưa hoạt động của người dân lên môi trường mạng, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn huyện. Đến nay, 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện nộp thuế điện tử, sử dụng các nền tảng số và hợp đồng điện tử; 68 đơn vị trường học và 2 cơ sở y tế thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; 39,74% gia đình thực hiện thanh toán tiền điện, tiền nước qua các ứng dụng tài chính…Có thể khẳng định hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng thật sự là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS cơ sở, luôn phát huy tốt thế mạnh gần dân, sát dân, nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, từ đó tập hợp sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình CĐS.
Các cấp huyện Trùng Khánh luôn quan tâm, chú trọng tới quá trình xây dựng kinh tế số, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. |
Bên cạnh đó, huyện Trùng Khánh đề ra 12 nhiệm vụ về phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Đến nay, 12/12 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt 100% kế hoạch. 100% văn bản trao đổi giữa UBND huyện và các đơn vị liên quan dưới dạng điện tử, trừ văn bản không được gửi qua môi trường mạng theo quy định. 100% các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện, UBND xã, thị trấn và người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được cung cấp và sử dụng chữ ký số trong hoạt động công vụ. 100% báo cáo định kỳ của huyện được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo của huyện. 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) tiếp nhận thụ lý được cập nhật, quản lý và tổ chức thực hiện trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC.
Ngoài ra, huyện tăng cường phát triển kinh tế số và xã hội số: Số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nộp thuế điện tử đạt 100%. Ban chỉ đạo CĐS huyện chỉ đạo các đơn vị thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt mà dùng các ứng dụng VNpay, MoMo... trong các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân đưa các sản phẩm là thế mạnh của địa phương lên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn các điểm, khu du lịch quảng bá hình ảnh, điểm du lịch trên các trang thông tin đại chúng như Zalo, Facebook, các fanpage....Đồng thời chỉ đạo sử dụng hiệu quả 42 camera giám sát phục vụ trật tự, an toàn xã hội tại trung tâm huyện. Triển khai trên các nền tảng số như: VNeiD; sổ sức khỏe điện tử; VssID (Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Không ngừng chuyển đổi số
Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS gắn với cải cách hành chính, huyện ưu tiên tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và hình thành các công dân số. Trong quá trình triển khai, huyện đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện, các xã, thị trấn, đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Cán bộ, công chức hướng dẫn người dân thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Trùng Khánh. |
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 100% TTHC được thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; 100% TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã; không có phản ánh, kiến nghị nào của tổ chức, cá nhân về việc thực hiện TTHC các cấp. Dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình đạt trên 93%, số hóa thành phần hồ sơ đạt 98,65%, số hóa kết quả hồ sơ đạt 88,07%. Huyện chỉ đạo các địa phương tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. 100% xã, thị trấn có trạm BTS (công nghệ 3G, 4G), cáp quang đáp ứng dịch vụ viễn thông phục vụ CĐS. 100% cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã có mạng LAN nội bộ và kết nối mạng Internet tốc độ cao. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được kết nối đến Huyện ủy, UBND huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn. Huyện triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số cho 100% cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã và được kết nối liên thông giữa các đơn vị trong tỉnh. Thực hiện liên thông 3 cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc vận hành họp trực tuyến với các điểm cầu, triển khai hoàn thành xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung trên địa bàn.
Để thực hiện tốt chương trình CĐS trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số một cách tích cực, hiệu quả; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm.
Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện Trùng Khánh tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc CĐS, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số của huyện trong những năm tới./.